Trong lớp, ai cũng biết tôi và Dương là bạn thân nhưng không ai biết tôi cũng thích Dương.
Chúng tôi chơi thân, thân lắm. Cái thời kém đá bán giá trăm đồng một cây, chúng tôi đã mút chung được rồi. Vẫn cứ nghĩ, sẽ không bao giờ có lực hút nào đẩy Dương ra khỏi tôi. Ấy thế mà một ngày, tôi đành nhìn cậu ấy chập chờn, bay ra khỏi những giấc mơ, và nhảy véo tới hiện tại: Dương và Tâm Anh là cặp đôi.
Dương cao, chơi bóng rổ cực đỉnh, khi cười mặt trông tếu tếu. Cậu ta lạc quan, và có phần thái quá. Chúng tôi hay đi dạo bằng xe đạp, lòng vòng quanh thị trấn. Ngày mùa đông, trời lạnh tê tái, cái ba lô của Dương to oành và luôn khiến tôi phải ngửa người ra sau. Áo ấm của hai đứa to sụ, đều màu đen cả. Áo của tôi thì gắn một chiếc mũ viền lông, thỉnh thoảng từng sợi tơ vờn vào mũi khiến tôi hắt xì liên tục, và nhìn thấy cảnh đó, Dương lại cười sặc sụa. Cậu bạn bảo, lúc đó trông tôi giống hệt một con nhóc gà tồ và ngốc nghếch, thậm chí có chút dở hơi.
Mức độ xen lẫn của Tâm Anh vào cuộc sống của chúng tôi không nhiều. dù là một cặp ếch đẹp đôi thật, nhưng cả hai vẫn quanh quẩn các buổi gặp gỡ trên lớp, rồi chiếc bánh ngọt trao vội lúc tan ca học thêm. Năm cuối cấp, không còn đứa nào đủ tinh thần để nghĩ đến chuyện tình cảm nhiều quá, nhất là khi hai chữ Đại học lúc nào cũng được các bậc phụ huynh treo lơ lửng trên đầu, sẵn sàng lôi ra làm áp lực cho những bài ca học hành dài liên tu bất tận không hạn định. Một vài lần, Dương dẫn Tâm Anh đi chơi riêng, và khi về, nhất định cậu ấy sẽ ngoắc tôi ra ban công, nhoài người đưa cho tôi củ khoai rim đường ngọt lịm hay chiếc bánh chuối chiên nóng hổi thơm phức. Kể ra tất cả những điều ấy, không khiến tôi hạnh phúc, nhưng tôi hài lòng.
Tôi thuộc túyp người sống thực tế, nên dù học chung lớp vẽ với Dương, tôi nộp hồ sơ vào Kiến trúc thay vì giấc mộng Mĩ thuật ban đầu đã hứa hẹn với Dương. Cậu ta giận tôi xám mặt, đùng đùng xách bìa vẽ đi lại góc lớp xa tít tắp chăm chú ngồi chéo chéo gạch gạch những đường chì lên bức tĩnh vật. Nhưng lúc ra về, cậu ta ngồi sau lưng, cho tay vào chiếc áo ấm to oạch của tôi, thủ thỉ rằng nào là không được học chung với tôi cả đại hcọ thì tiếc lắm. Rằng là học khác trường như thế, ở trọ xa như thế, làm sao mà tôi có thể thỉnh thoảng chạy sang dọn dẹp cho cậu ta. Tôi không vừa, đốp chát lại rằng nếu không thay đổi cái tật ở dơ ấy đi, thì cú nó sẽ làm tổ la liệt trong nhà cậu, rồi thì lúc đó cậu sẽ chóp chép nhìn cái mỏ quặp của nó mà nuốt nước bọt thay cơm…đồ lười biếng. Hai chúng tôi cười phá lên, và tay lái loạng choạng. Cả hai ngã vèo trên mặt đường, nhìn nhau cười ngặt nghẹo. Nào đã vào được đại học đâu mà tính xa thế.
Buổi tối, Dương lại ló đầu sang ban công, chìa cho tôi mượn cây chì 6b. Tôi đón lấy, rồi nheo mắt nhìn cậu ta, sơ mi sọc xanh, tóc chải gel. Gớm, làm gì mà điệu thế, hẹn hò à? Tôi bĩu tôi, Dương cười toe, gật. Tôi nghe tim mình đánh thịch một cái, cây chì trên tay nặng trịch. Dù vui vẻ thế nào, bạn gái cậu ấy vẫn không phải là tôi.
Nhoài người ra lan can nhìn xuống đường, tôi thấy Tâm Anh dịu dàng cài giúp Dương quai nón mũ bảo hiểm. Dương mỉm cười rồi lên xe phóng véo đi, trong chốc lát, chiếc váy đỏ chấm bi điệu đà của Tâm Anh chỉ còn là một mảnh khăn nhỏ phất phơ cuối phố.
Tôi lại ngồi trước gương, nhìn vào cái con bé đang đối dienẹ với mình ấy mà săm soi. Mắt to này, to chóang hết cả gương mặt, mày rậm này, trán dô này, dù đã để tóc trước che đi nhưng trông vẫn khá bướng, mỗi tội tôi bướng thật. Hic, tóc thì ngắn ngủn. Uhm, tôi không nữ tính gì cả, lại không xinh cũng không biết dịu dàng. Tôi nhắm mắt, tưởng tượng ra mình trong bộ váy dịu dàng của Tâm Anh và đôi chân huỳnh huỵch giày converse. Ôi, cóc mặc váy thiên nga. Tôi chợt nhớ tới hôm sinh nhật bạn lớp trưởng, Dương nằng nặc không chịu đèo tôi đi vì tôi mặc váy, cái váy mà vàng cam có nơ đằng sau. Cậu ấy ghét tôi trở nên điệu đà với giày cao gót và váy vơ. Haizzz…
Tối hôm đó, Dương về rất muộn, và không có đồ ăn khuya cho tôi. Nhưng tôi không bận tâm nữa, dù thế nào, tôi phải dứt khoát. Bởi thực chất, Dương không phải là của tôi, dù cố đến mấy đi chăng nữa. Tôi nhanh tay tắt điện, rồi chui tọt lên giường, trước khi Dương thò đầu qua lảnh lót gọi toáng lên đòi trả bút chì.
Qua rủ tôi đi học, Dương đứng thẳng người, ưỡn ngực bên chiếc martin màu vàng. Lần đầu tiên, chúng tôi chạy xe song song. Đúng đoạn rẽ qua trường, Dương đột ngột nắm lấy cổ xe tôi, quay về hướng ngược lại. Tim tôi lại dội thịch phát nữa, hướng đó dẫn về nhà Tâm Anh. Lúc sau, Dương đèo Tâm Anh, còn tôi chạy xe một mình, lủi thủi đằng sau. Cái gì, rồi nó cũng khác. Tôi lại thở dài…
Tôi đổi lớp học thêm, nằn nì thấy cho chuyển sang lớp vẽ ngày chẵng,…thời gian còn lại, tôi ru rú ở nhà với mẩy trò game vớ vẩn trên máy tính. Dương thi khối A nên cậu ấy bận bù đầu. Tôi vẫn thảnh thơi ăn chơi ngủ nghỉ, và thỉnh thoảng lại lẩn như chạch khi chạm mặt Dương trên trường. Cậu ta vẫn không biết rằng tôi đang giận.
Ừ thì có gì đâu, khi bạn thân mình có người yêu. Mình sẽ toe toét đưa hai tay đồng ý.
Ừ thì có gì đâu, khi người mình thích có người yêu, mình sẽ (chỉ) giơ một tay thôi, nhưng vẫn toe toét, đồng ý.
Không phải cậu ấy vui là mình vui hay sao.
Nhưng cảm xúc của tôi cứ nghẹn lại, khi trên tay Tâm Anh lấp lóa chiếc vòng đá xanh nhũ, thứ tôi cất công tha từ Non nước về làm quà cho cậu ta hè rồi. Điều đó khiến tôi cảm thấy như mình không được tôn trọng, và thậm chí là xúc phạm. Tôi bực mình quá thể. Nhưng như một thói quen, tôi không gào lên bắt lẽ, chỉ lầm lì buồn bã. Dù gì, thì Dương cũng đã tặng nó đi rồi. Trong tim tôi, cảm xúc dồn lại phía cuối khoảng trống, rồi bị đè xuống, vụn vỡ. Vậy rồi cũng coi như xong.
Buổi chiều, lớp vẽ yên tĩnh. Tôi ngồi thần người ra trong tiếng sột soạt quẹt chì, tẩy xóa. Những bức hình tĩnh vật nhảy múa. Mọi chuyện xảy ra nhanh đến mức tôi không thể tin được. Ba mẹ đã li hôn, và mẹ muốn tôi chuyển vào nam cùng bà. Thế còn ba, còn thị trấn nhỏ xíu bủoi chiều ngập ngụa mùi thơm của khoai rim đường, của những tiếng cười giòn tan và nắc nẻ, còn cả Dương nữa… Nhưng đằng nào cũng quyết định, thôi thì đi cho xong. Và tôi lại thở dài…
…………………………………..
“Hôm nay Nguyệt đã chịu chở tôi. Tôi thích cho tay vào chiếc túi to òanh của bạn ấy, co nắm tay lại, thế mà ấm. Có lẽ tại tôi nặng qúa mà xe bị ngả, hai đứa cười nhiều như điên, giữa góc đường thị trấn.”
“Hôm nay Nguyệt bĩu môi lúc tôi hẹn hò Tâm Anh, sao bạn ấy không thú nhận quách đi mà còn làm thái độ như thế nhỉ. Tâm Anh gài mũ cho tôi, hỏi Nguyệt không nói gì à, tôi chỉ biết mỉm cười. Cô ngốc bướng bỉnh ấy thì có bao giờ nói gì. Tôi lao xe vút đi, biết chắc Nguyệt còn nhoài người ra ban công, nhìn theo cho đến lúc khuất.”
“Dạo này Nguyệt hay mệt mỏi lắm, tôi nghe tiếng ba mẹ bạn ấy cãi nhau suốt ngày. Thế mà Nguyệt vẫn vững được, giỏi thật. Tôi cầm chiếc vòng tay của Nguyệt tặng, gửi Tâm Anh mang lên chùa cho sư thầy cầu may mắn giúp. Bạn ấy xỏ vào tay rồi gật đầu đồng ý. Thế nào tôi cũng sẽ đưa lại chiếc vòng ấy cho Nguyệt, khõ khõ vào mũi cô nàng, bảo là tớ cầu may mắn cho cậu rồi đấy, đeo nó vào đi. Thế nào Nguyệt chả cảm động điên lên. He he”
“ Nguyệt tránh mặt tôi hoài, tự nhiên tôi thấy buồn thật. Thân nhau bấy nhiêu năm, cô ấy lúc nào cũng nghĩ linh tinh vớ vẩn mà chả chịu nhìn thẳng vào mắt tôi nói một câu “ Tớ thích cậu”. Tôi biết thừa Nguyệt thích tôi, thế mà vẫn bướng. Cặp đôi với Tâm anh hoài, nhưng thấy sao vô vị thế. Cứ đóng giả thế này, chả biết bao giờ mới xong.”
“Tôi đi xe đạp màu vàng, màu vàng dịu dàng, mà vàng huyền hoặc, trăng cũng màu vàng, sao mãi Nguyệt không hiểu thông điệp ấy nhỉ?Nguyệt chả phải là trăng sao? Không biết cô ấy nhồi vào đầu những gì khi ngòi ngắm trăng với tôi mỗi tối rằm, lại còn chê tôi sến, đồ ngốc.
Dương gấp cuốn sổ lại, đặt nó dưới góc ban công, rồi quay trở vào nhà. Nguyệt chuyển đi rồi, giờ tới lượt cậu. Mẹ đã đợi cậu rất lâu, rất lâu để có được quyết định này. Nước Pháp xa xôi và lạ lẫm, cậu thở dài. Cậu cũng đã đợi Nguyệt rất lâu, rất lâu rồi.
Năm 2 đại học, tôi về thăm bố. Thị trấn bé nhỏ, căn nhà góc đừờng bình yên. Chậu violet tím sẫm, mọi thứ thana thương mà tôi thuộc namừ lòng. Nhà Dương không còn ở đó nữa, hàng xóm mới sau khi chuyển đến đã xây bít cả khoảng không gian giữa hai ban công. Nhìn bức tường ximăng xám xẩm, tôi có chút hụt hẫng. Đứng nhìn một lúc lâu, tôi xoay gót chân bước vào, chợt ngờ ngợ. Phía dưới nền ban công, ngay trong góc, ẩn khuất sau chiếc bàn nhỏ đặt chậu violet là một cuốn sổ bìa vàng đã cũ, có mấy dòng chứ được dán đề can cẩn thận “Duong;s diary” .
Comments
Post a Comment