Những thói quen của bạn làm hư hại xe ô tô

- Mua ô tô là một khoản đầu tư lớn. Hầu hết mọi người đều muốn sở hữu cho mình một chiếc xe chạy được càng lâu càng tốt. Nhưng nhiều người không biết rằng, chính những thói quen không tốt dưới đây lại là một trong những "kẻ thù" nguy hiểm nhất đối với xế yêu cua mình.


+ Không sử dụng phanh tay

- Ngay cả khi đỗ xe trên địa hình bằng phẳng, không có lý do gì để tài xế bỏ quên chiếc phanh tay. Không sử dụng phanh tay khiến toàn bộ trọng lượng của xe đổ dồn vào một miếng kim loại nhỏ nằm trong hộp truyền động. Miếng kim loại này chỉ nhỏ bằng ngón tay và hoàn toàn có nguy cơ bị gãy nếu phải chịu toàn bộ sức nặng của phương tiện. Sử dụng phanh tay góp phần cân bằng tải trọng của xe và giúp những bộ phận mỏng manh của hộp số có tuổi thọ lâu dài.

+ Xem thêm: Dịch vụ cho thuê xe tự lái



+ Thường xuyên để bình nhiên liệu gần cạn

- Rất nhiều người đã từng để bình xăng rơi vào tình trạng "chết lâm sàng" khi lượng nhiên liệu trong bình gần như cạn kiệt. Bơm xăng được thiết kế để được làm mát bằng chính xăng trong bình, vì vậy nếu chủ xe thường xuyên không để lượng nhiên liệu tối thiểu cần có nằm trong bình, thay thế chiếc bơm chắc chắn sẽ là việc một sớm một chiều.

+ Chuyển từ số lùi (R) sang số tiến (D) khi xe chưa dừng hẳn

- Nhiều tài xế có thói quen vội vã chuyển từ số lùi sang số tiến khi xe vẫn còn đang lùi chậm. Việc này chưa gây ra ảnh hưởng tức thì, nhưng duy trì thói quen này trong thời gian dài sẽ khiến bánh răng hộp số có nguy cơ bị gãy. Vì vậy, hãy kiên nhẫn đợi thêm chỉ một vài giây cho xe dừng hẳn rồi mới chuyển số, nếu bạn không muốn mất tiền để sửa xe.

+ Rồ ga khi động cơ vẫn còn lạnh

- Lái xe nên để chiếc xe chạy không tải hoặc chạy từ từ chậm rãi trong một hoặc hai phút. Lúc này động cơ sẽ có đủ thời gian được làm nóng, dầu bôi trơi được đưa đến các bộ phận của động cơ. Rồ ga không giúp cho quá trình này diễn ra nhanh hơn, trái lại tạo ra sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột, phá hủy các chi tiết của động cơ.

+ Đạp hết ga khi không cần thiết

- Những người yêu xe hẳn ai cũng khao khát cảm giác một lần được "dính chặt" vào lưng ghế khi đạp ga lút ván. Một vấn đề phát sinh đó là bạn lại phải dựa dẫm vào bộ phanh khi cần chiếc xe giảm tốc độ. Cả hai động tác trên đều không tốt cho xe. Không có việc nào "đốt" nhiên liệu nhanh hơn là đạp hết ga. Phanh gấp tàn phá má phanh và rô to.

+ Tì tay trên cần số

- Lái xe số sàn đem lại cảm giác thú vị, và với nhiều người việc điều khiển vô lăng bằng một tay, tay còn lại để lên cần số như một thói quen tự nhiên và có vẻ "cool ngầu". Việc này không những tạo áp lực lên bộ trục của cần số, khiến nó bị nhanh mòn, mà còn tiềm ẩn nguy cơ không kịp phản xạ để điều khiển vô lăng khi gặp các tình huống bất ngờ.

+ Lạm dụng chân côn

- Rất nhiều tài xế có thói quen luôn giữ chân côn, ngay cả khi xe đang dừng. Thao tác này hữu ích khi cần di chuyển khi đường tắc, hoặc xuất phát nhanh hơn khi đèn giao thông chuyển màu xanh. Tuy nhiên, thói quen này gây hại cho bề mặt côn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất côn. Vì vậy khi xe đang dừng, thay vì đạp côn và để số tiến, hãy nhả chân côn và về số mo.

+ Chở quá nhiều đồ nặng

- Chở càng nhiều, xe càng tồn xăng, càng nhiều áp lực đặt lên bộ truyền động, hệ thống treo, hệ thống phanh – đây là điều hiển nhiên. Vì vậy hãy để chiếc xe được gọn nhẹ bằng việc bỏ đi những thứ lỉnh kỉnh trên xe, chỉ giữ lại những vật dụng thật sự cần thiết. Việc giảm khối lượng trên xe sẽ tạo sự khác biệt về tiêu thụ nhiên liệu nếu di chuyển trên một quãng đường dài.

+ Rà phanh khi đổ dốc

- Rà phanh liên tục khi đổ dốc khiến phanh chịu áp lực lớn trong thời gian dài, nguy cơ má phanh sẽ bị cháy và cong vênh. Tình huống xấu nhất là xe bị mất phanh. Giải pháp tốt hơn là về số thấp, bộ truyền động sẽ giúp hãm tốc độ xe của bạn một cách an toàn.

+ Bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo

- Khi có vấn đề gì đó xảy ra với chiếc xe, như các tiếng động lạ, triệu chứng bất thường, lái xe cần phải kiểm tra càng sớm càng tốt. Phớt lờ những dấu hiệu này có thể chưa gây hư hại ngay cho xe, những sẽ ảnh hưởng trong lâu dài. Chắc hẳn không tài xế nào muốn bị đứng ở ven đường bên cạnh chiếc xe "hết hơi" của mình. 

Comments